Đều đặn 17h chiều hằng ngày, ông Long (78 tuổi, nhà ở phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị đồ nghề câu rồi đạp xe lên cầu Long Biên để săn cá ngạnh.
Câu loài cá này như niềm đam mê lúc tuổi già của ông lão suốt hơn 20 năm qua.Cứ chiều đến, ông Long và nhiều người đàn ông trung niên khác lại ra cầu Long Biên để câu cá dưới sông Hồng.
Suốt hơn 20 năm qua, thú câu cá ngạnh luôn làm ông đam mê.
Theo ông Long, chẳng biết từ khi nào, câu cá sông Hồng được coi là lạc thú đối với nhiều người. Nếu như ở thượng nguồn các con sông, săn cá lăng, cá chiên là niềm đam mê hoang dã, thì ở hạ nguồn các dòng sông lớn, săn cá ngạnh là sở thích của các cần thủ.
Ở khu vực trên cầu Long Biên (Hà Nội) nhiều năm nay trở thành địa điểm lý tưởng không chỉ đối với ông mà còn của nhiều cần thủ săn các loài cá dưới sông Hồng.
Mỗi buổi chiều, từng tốp người trung niên và người già mang cần ra khu vực cầu Long Biên để thưởng ngoạn. Rất đông người dân hiếu kỳ tập trung lại xem cần thủ bắt cá.
Đồ câu khá đơn giản, một cuộn dây có móc câu, một ít mồi thường là mồi chuối hoặc sợi mì ống cắt nhỏ là có thể thỏa sức săn cá ngạnh và nhiều loài cá khác như cá chép, cá vược, cá lăng, cá vền…
Mồi câu cá ngạnh thường là mồi chuối…. hoặc sợi mì ống.
“Câu cá đòi hỏi sự kiên nhẫn, thợ câu phải quen tay và có kinh nghiệm. Cách câu khá đơn giản, chỉ cần móc mồi sau đó thả xuống dòng nước đang chảy xiết dưới sông Hồng và đứng chờ đợi.
Khi thấy dây nào có tiếng động nghĩa là cá đã cắn câu, mình khéo léo kéo cá lên. Nói vậy thôi nhưng câu cá đều phải học hết”, ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, thời gian đông người câu nhất là buổi sáng từ 6h đến 9h và chiều từ 15h đến 18h. Sở dĩ khu vực cầu Long Biên nhiều người câu vì dòng này nhiều cá ngạnh.
Đây được coi là loài cá đặc sản nấu canh chua rất ngon. Buông câu suốt 2 giờ đồng hồ nhưng cuối cùng ông Long chỉ câu được con cá ngạnh khoảng hơn 3 lạng.
Theo ông Long, săn cá ngạnh theo may rủi, có hôm câu được nhiều nhưng có hôm không câu được con nào. Con cá ngạnh khoảng 3 lạng được ông Long câu lên.
“Câu cá này cũng hên xui nhiều. Có khi câu cả buổi không được con nào, phải liên tục chuyển chỗ câu để kiếm vận may. Cá sông đi ăn theo ngày, theo giờ, theo mùa, theo con nước, theo địa điểm và theo đàn.
Mình phải dựa vào từng dòng nước, khúc sông để buông câu mới hiệu quả. Ngày trước cá dưới sông Hồng nhiều, có ngày tôi câu được cả vài chục cân, ăn không hết còn chia cho mọi người nhưng giờ người ta đánh điện, vây lưới bắt nhiều nên cá sông Hồng cũng ít đi. Hôm nào may mắn thì câu được con tầm hơn 2kg, còn ra chỉ tầm 3 lạng đến 1kg”, ông Long chia sẻ.
Ông lão cười vui vẻ cho biết thêm: “Tôi câu cá không phải vì mục đích kinh doanh, được con nào thì về ăn còn không được thì mình vận động cho khỏe người.
Con cháu thấy mình khỏe mạnh cũng vui hơn nên chiều nào tôi cũng phải ra đây câu đến sẩm tối mới về. Hôm nào không ra cầu Long Biên tôi lại thấy nhớ”.
Anh Hùng cũng có đam mê săn cá sông Hồng.
Cầm sợi dây các cần thủ sẽ phán đoán được khi nào cá cắn câu dưới dòng nước chảy xiết.
Cũng có sở thích như ông Long, anh Hùng (ở Gia Lâm, Hà Nội), làm nghề quảng cáo nhôm, kính tranh thủ lúc vắng khách mang đồ câu ra cầu Long Biên đứng câu.
Anh buông xuống lòng sông Hồng 5, 6 lưỡi câu rồi quấn vào thành cầu Long Biên ngồi chờ cá cắn mồi. Mồi câu của anh Hùng khá đơn giản chỉ là những sợi mì ống được cắt ngắn.
Sau một hồi chờ đợi, nghe thấy tiếng động phát ra từ sợi dây câu, biết chắc có cá cắn câu anh liền khéo léo kéo con cá lên bờ. Anh cho biết:
“Do nguồn nước thay đổi nên hôm nay chỉ câu được cá vền, có hôm thì câu được nhiều cá ngạnh. Câu được cá vui nên tôi rất hay đi, lên cầu Long Biên lại được hít hơi gió mát nữa khiến đầu óc thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng”.
Theo anh Hùng: “Hôm nay tôi chỉ câu được cá vền. Cá ngạnh giờ ít nên cũng khó săn hơn”.Thú câu cá ngạnh trở thành đam mê của nhiều cần thủ trên cầu Long Biên.
Theo anh Hùng, trước đây, cá ngạnh ở sông Hồng rất nhiều, chúng đi ăn theo đàn rất thích mắt. Mùa lũ cá ngạnh đi ăn rào rào ven bờ, bụi cỏ, vây lưng nổi thành cả mảng đen.
Nước ngập lên bờ bãi, người dân còn dùng nơm úp được. Thế nhưng, khi ngạnh thành đặc sản, khi lưới vét, đánh điện thường xuyên thì loài cá da trơn đặc sản này tưởng như tuyệt chủng khỏi các dòng sông.
Anh Hùng cho biết, kỷ lục anh từng câu được khoảng 15kg cá chỉ trong 2 giờ đồng hồ. “Hôm đó, cá theo đàn về nhiều, cứ buông câu xuống là cá cắn nên giật liên tục.
Hôm đó tôi câu về ăn xong còn chia cho nhiều anh em. Ở đây, mọi người đi câu đều với mục đích vui vẻ chứ đa phần không phải câu để bán”, anh Hùng chia sẻ thêm.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét